Nội dung bài viết
Vấn đàm là một phần thực hành của nhiều ngành nghề khác nhau như: ngành y, luật, báo chí, nghiên cứu. Nhưng vấn đàm trong công tác xã hội (CTXH) thì có sự khác biệt, vấn đàm được xem như là một công cụ chính yếu của thực hành CTXH. Nó quan tâm đến cách làm thế nào để đạt được mục đích trong tiến trình giải quyết vấn đề của thân chủ. Vấn đàm có thể thực hiện với một người, một gia đình, một nhóm, một cộng đồng hay một tổ chức. Nhân viên xã hội (NVXH) có thể thực hiện một mình hay cùng với đồng nghiệp.

1. Khái niệm về vấn đàm trong CTXH

- Vấn đàm là một hình thức tác động giữa các cá nhân có ý thức với mục đích kế hoạch cụ thể và nó đòi hỏi các kỹ năng giao tiếp đặc biệt (Ths. Tâm Đan).
- Vấn đàm trong CTXH cá nhân nói đến cuộc gặp gỡ giữa NVCTXH và thân chủ (TC) trong một cuộc nói chuyện mặt – đối mặt. Đó không phải là cuộc nói chuyện tình cờ ngẫu nhiên mà là một hoạt động của NVCTXH, bởi vì cuộc nói chuyện được hướng tới những mục đích cụ thể hay những mục đích tổng quát. Mục đích có thể là một hay nhiều mục đích sau đây: (1) Thu thập thông tin từ TC hay chia sẻ thông tin cho TC. (2) Khảo cứu và đánh giá vấn đề của thân chủ và tình huống liên quan. (3) Đưa ra sự giúp đỡ cho TC (Grace Mathew).
Trong bối cảnh CTXH ở Việt Nam người ta không dùng từ phỏng vấn (interviewing) mà dùng từ vấn đàm bởi vì nó được thực hiện như một cuộc trò chuyện chính thức và không chính thức với thân chủ. TC có cảm giác rằng không đang bị phỏng vấn hay điều tra.
Các lợi ích trong kỹ năng vấn đàm:
- Giúp nhân viên xã hội vừa thu thập thông tin và tư vấn trong quá trình tương tác với người bệnh, gia đình.
- Giúp cả nhân viên xã hội và người bệnh đi vào trọng tâm, mục tiêu của quá trình trao đổi, giúp đạt được mục đích rất cụ thể sau mỗi cuộc vấn đàm.
- Nhân viên xã hội phải sử dụng nhiều kỹ năng trong quá trình vấn đàm bao gồm: quan sát, đặt câu hỏi, lắng nghe và ghi chép.
- Giúp cho quá trình tương tác với người bệnh mang tính chuyên nghiệp hơn bởi vì trước khi diễn ra cuộc vấn đàm đòi hỏi nhân viên xã hội cần xác định được kế hoạch của cuộc vấn đàm sắp diễn ra, những nội dung dự kiến cho lần gặp tiếp theo.
2. Mục đích
Vấn đàm ứng dụng vào lĩnh vực công tác xã hội bệnh viện nhằm:
- Có thông tin về người bệnh, gia đình và về vấn đề của họ. Mặt khác, để cung cấp thông tin cho người bệnh và cùng người bệnh-thân nhân giải quyết vấn đề.
- Vấn đàm dùng để tìm kiếm thông tin cần thiết thông qua truyền thông có lời và không lời, nhằm phát hiện nhu cầu, mong muốn và vấn đề của thân chủ (Kadushin 1951).
Đặc điểm của vấn đàm
- Có mục đích cụ thể
- Có kế hoạch
- Có phương pháp và kỹ năng
3. Các giai đoạn của cuộc vấn đàm
Giai đoạn chuẩn bị
- Xác định mục đích, ý nghĩa, phương pháp và bối cảnh của cuộc tiếp cận
- Chuẩn bị các câu hỏi
- Hẹn thời gian, địa điểm cho buổi tiếp cận
- Nếu có thể, tham khảo một số tài liệu thông tin về thân chủ trước khi tiếp cận
Giai đoạn mở đầu
- Chào hỏi thân chủ
- Giới thiệu bản thân và cơ quan
- Giải thích mục đích của buổi tiếp cận vấn đàm
- Tạo niềm tin và không khí thoải mái
- Bảo đảm với TC sẽ giữ bí mật nội dung của buổi vấn đàm
Giai đoạn chính
- Định hướng và theo sát mục tiêu của buổi vấn đàm
- Khai thác những lĩnh vực cần thiết qua các câu hỏi mở và khuyến khích đối tượng cung cấp thông tin
- Thảo luận về tính chất và nguyên nhân của vấn đề với TC
- Tỏ sự đồng cảm với TC
Giai đoạn kết thúc
- Kết thúc buổi vấn đàm với TC
- Để thời giờ cho TC đặt câu hỏi hoặc bổ sung những điều cần thiết
- Thảo luận với TC về những bước kế tiếp trong tiến trình giúp đỡ
- Giải thích cho đối tượng biết những thông tin thu thập được trong buổi vấn đàm này sẽ được sử dụng như thế nào
- Nếu phải chia sẻ thông tin về TC với người khác, nên thảo luận và xin sự đồng ý của TC
- Nếu thấy cần gặp những người liên hệ đến TC để thu thập thêm thông tin trong việc nhận diện vấn đề, thì bàn với TC để bố trí cuộc gặp. Hẹn lần gặp sau với TC nếu cần.
4. Những điều nên và không nên trong cuộc vấn đàm
Nên | Không nên |
Sự đồng cảm, nhất là từ phía NVCTXH đối với thân chủ |
Hỏi như điều tra |
Tôn trọng quyền được giữ bí mật và quyền tự chủ của thân chủ |
Quan tâm đến ghi chép quá nhiều |
Tỏ ra chân thành |
Đặt máy ghi âm – ghi hình làm TC mất tự nhiên |
Mối quan hệ thiện cảm giữa đôi bên |
Ép TC nói những điều mà họ đang cố né tránh và tranh cãi với TC |
(Các bài tiếp theo sẽ trình bày chi tiết những kỹ năng cơ bản của vấn đàm trong công tác xã hội)
Tài liệu tham khảo
- SDRC, Dự án “Nâng cao năng lực cho NVCTXH cơ sở ở Tp.HCM” – tháng 7/2012 ((tài liệu tập huấn Vấn Đàm trong Công Tác Xã Hội)
- Medical Social Work in General Practice
- The Social Worker’s roles in Genetic Counselling
William F. Mealer, ACSW, Dharmdeo N. Singh, PhD, and Sally 0. Murray, MSSWNashville, Tennessee