Tiến trình hỗ trợ trong công tác xã hội được xem như là một chuỗi các hoạt động hỗ trợ người bệnh tại bệnh viện. Những hoạt động này phải được thống nhất trong việc quản lý từ: mẫu thông tin, tiếp nhận, quy định hồ sơ, quy định hỗ trợ, cách thức và phương pháp can thiệp.

Cho dù bất cứ ở môi trường nào tiến trình này cần phải đảm bảo các bước sau:

1. Tiếp nhận:

Tiếp nhận thân chủ trong công tác xã hội có thể do thân chủ có nhu cầu tự tìm đến gặp nhân viên CTXH hoặc do các phòng/khoa trong bệnh viện chuyển đến. Giai đoạn tiếp nhận này điều quan trọng hết là đảm bảo sự an toàn cho thân chủ, giúp thân chủ bình tĩnh hơn để chuẩn bị cho những bước tiếp theo

Trong bước này, nhân viên CTXH cần quan sát nét mặt, cử chỉ, thái độ của người bệnh/ thân nhân, giúp họ bình tĩnh bằng cách mời ngồi xuống, mời nước uống nhằm xoa dịu sự căng thẳng, lo lắng. Quan trọng là thái độ của nhân viên CTXH niềm nở, từ tốn và tôn trọng.

2. Xác định vấn đề – thu thập thông tin

Nguồn: www.uihere.com

Nhân viên CTXH thiết lập mối quan hệ tin tưởng, quan tâm, tìm hiểu, dựa trên các kỹ năng lắng nghe, đặc câu hỏi, quan sát.

Thân chủ hợp tác bằng cách bộc lộ vấn đề của mình bằng câu hỏi ví dụ:Vì sao Anh/Chị tìm đến phòng CTXH? Hoặc Anh/Chị có thể chia sẻ vì sao anh/chị tìm đến phòng CTXH?

Nhân viên CTXH cần xác định đúng đắn vấn đề để quá trình giải quyết vấn đề với thân chủ đi đúng hướng.

Giúp làm sáng tỏ các khía cạnh của vấn đề (ai có liên quan, các khía cạnh của môi trường xã hội)

Nhân viên CTXH phải quan tâm cả con người và bối cảnh xã hội của vấn đề, tức là mối tương tác giữa con người và môi trường xã hội.

Một số câu nhằm khai thác sâu hơn các thông tin liên quan đến sự lo lắng, công việc, mối quan hệ xã hội của người bệnh mà nhân viên CTXH có thể tham khảo:

– Trong những điều anh/chị vừa chia sẻ thì đâu là điều mà anh chị lo lắng nhất?

– Anh/chị có thể chia sẻ thêm về công việc và nơi ở của mình?

– Giữa người bệnh và anh chị có mối quan hệ như thế nào?

– Những ai là người hay giúp đỡ/ hỗ trợ người bệnh trước đây?

3. Lập kế hoạch:

Lập kế hoạch hỗ trợ thân chủ cần có mục tiêu rõ ràng, thời gian, trách nhiệm trong việc thực hiện kế hoạch và đầu ra mong muốn. Một bản kế hoạch hỗ trợ thân chủ khả thi khi nó dựa trên nhu cầu thực tế của thân chủ, và trong khả năng hỗ trợ của nhân viên xã hội, tổ chức/ cơ quan nơi nhân viên xã hội đang làm việc.

Nguồn: flaticon.com

Cả hai (nhân viên CTXH  và thân chủ) cùng trả lời các câu hỏi: Làm gì? Ai làm? Làm như thế nào? Làm khi nào?

Cả hai cùng đánh giá về một hay nhiều giải pháp tốt nhất, cân nhắc toàn bộ thuận lợi và bất lợi của từng giải pháp: Sử dụng nguồn lực sẵn có nào? Trở ngại gì? Điểm nào cần ưu tiên?

Khi lên kế hoạch có những hoạt động cụ thể  đối với người bệnh và thân nhân/ người chăm sóc, nhân viên CTXH bệnh viện cần tham khảo ý kiến của nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) phụ trách điều trị trực tiếp về khả năng điều trị, thời gian, đặc điểm của bệnh lý v.v… để có cách tiếp cận, trao đổi và có những hoạt động can thiệp phù hợp.

4. Thực hiện kế hoạch can thiệp/ hỗ trợ:

Nhân viên CTXH giúp thân chủ đi đến một quyết định cuối cùng và triển khai kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện giải pháp đã chọn. Trong quá trình thực hiện, tránh tình trạng thân chủ phụ thuộc vào nhân viên xã hội. Nhân viên xã hội giúp cho thân chủ có những quyết định phù hợp với khả năng của mình.

Nhân viên CTXH có thể cập nhật hoặc trao đổi những chuyển biến về tâm lý, hoặc những dịch vụ xã hội đã được hỗ trợ cho người bệnh với nhân viên y tế để họ hiểu hơn về nhu cầu hỗ trợ của người bệnh khi điều trị tại bệnh viện.

5. Lượng giá

Nhân viên CTXH đánh giá kết quả sau khi thực hiện giải pháp, làm việc với thân chủ để xem có cần sửa đổi hoặc bổ sung gì không, có thành công hay không,  có hài lòng với kết quả không, giải pháp có thực tế không, có điều gì không ngờ tới không?

6. Kết thúc – chuyển giao

Tiến trình hỗ trợ trong công tác xã hội giúp đỡ có thể kết thúc nếu đã đạt được mục tiêu, thân chủ có thể hài lòng vì vấn đề đã được giải quyết. Tuy nhiên, thân chủ cần có thêm những hỗ trợ vượt qua ngoài khả hỗ trợ của nhân viên CTXH hoặc của tổ chức, trong trường hợp này thân chủ có thể tìm đến một cơ quan khác hoặc thông qua sự giới thiệu của nhân viên xã hội để thân chủ tìm kiếm những nguồn hỗ trợ khác.

Nguồn ảnh: OUCRU – PE

Xem thêm: Công tác xã hội bệnh viện: Khái niệm và Đặc điểm

Tài liệu tham khảo:

  1. Gehlert, Sarah. (2012). Hand book of Health Social Work.
  2. Department OF Health of Philippines. (1994). Manual For Medical Social Work.