1. KIỆT SỨC NGHỀ NGHIỆP LÀ GÌ?

Kiệt sức nghề nghiệp trong tiếng Anh “Burn Out Syndrome” là một trạng thái kiệt sức, cạn kiệt hoàn toàn các nguồn sinh lực: kiệt quệ tình cảm, rã rượi thể lý, buông xuôi không còn ý chí. Kiệt sức nghề nghiệp nên được hiểu như một tiến trình, nó đôi khi diễn ra âm thầm khiến bản thân dễ bị nhầm lẫn rằng đây chỉ là trạng thái cơ thể mệt mỏi hoặc các cảm xúc tiêu cực nhất thời mà lướt qua. Tuy nhiên, tiến trình tích lũy này cứ tiếp tục cho đến lúc tâm trí và cơ thể hoàn toàn không còn năng lượng.

Mô tả của nhân viên y tế khi thấy mình rơi vào tình trạng kiệt sức

Kiêt sức nghề nghiệp

Nhân viên y tế cảm nhận sự giảm động lực bên trong như niềm đam mê nghề nghiệp, sự yêu thích trong công việc, mất niềm tin, giá trị trong ngành y và ý chí hay sự dấn thân cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe không còn nữa. Ngoài ra, họ còn có cảm giác bất an do những thay đổi nhanh của xã hội, hệ thống quản lý trong ngành hoặc những tác động từ người bệnh như đặt nhu cầu/ đòi hỏi cao.

Kiệt sức nghề nghiệp có thể xảy ra khi nhân viên y tế phải cống hiến chuyên môn của mình trong những mùa dịch bệnh hay số lượng người bệnh quá tải khiến họ không có nhiều thời gian nghỉ ngơi và thư giãn để cân bằng lại cảm xúc và sức khỏe.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Loan (1) thì những biểu hiện sau đây để nhận ra nhân viên y tế đang có dấu hiệu về tình trạng Kiệt sức nghề nghiệp.

Những biểu hiện thể lýNhững biểu hiện cảm xúcNhững biểu hiện hành vi
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và kiệt quệ.
  • Sức đề kháng giảm và cảm thấy đau ốm thường xuyên hơn.
  • Thường nhức đầu, đau lưng, đau toàn thân.
  • Thay đổi khẩu vị, trọng lượng hoặc cả hai.
  • Thay đổi giờ ngủ.
  • Mặc cảm thất vọng, nghi ngờ bản thân.
  • Cảm thấy vô dụng, chôn chặt, và vỡ mộng.
  • Thờ ơ mọi sự, cảm giác lạc lõng.
  • Không còn động cơ, luôn hoài nghi yếm thế, nhìn mọi sự cách tiêu cực.
  • Niềm vui thích và ước muốn thành toàn giảm dần và tan biến.
  • Dễ cáu kỉnh, bẳn gắt.
  • Mất hết hứng thú đối với công việc mình đã từng yêu thích và gắn bó đeo đuổi trong sự nghiệp.
  • Trốn tránh trách nhiệm.
  • Tự cô lập mình.
  • Trì hoãn hoặc kéo dài thời hạn làm việc.
  • Tìm hướng giải quyết bằng việc ăn uống, hút sách, nhậu nhẹt.
  • Chểnh mảng đối với công việc, đi trễ về sớm.
  • Xa lánh bạn bè, gia đình và những người thân.

2. DIỄN TIẾN CỦA KIỆT SỨC NGHỀ NGHIỆP

Tóm tắt diễn tiến qua bốn giai đoạn sau:

  • Sự căng thẳng của nhân viên y tế: Sự căng thẳng này thường biểu hiện ở việc quá tải trong bệnh viện ví dụ như thiếu nhân sự, đảm nhận ca trực vào ban đêm, các bác sĩ hoặc điều dưỡng lớn tuổi có sự giảm sút về sức khỏe hoặc làm việc trong môi trường thiếu các tiện nghi, trang thiết bị hoặc cơ sở vật chất. Ngoài ra, đối với nhân viên y tế sự căng thẳng còn diễn tiến ở khả năng tự khẳng định về năng lực chuyên môn bởi vì họ phải thường xuyên học tập để nâng cao năng lực chuyên môn trong điều trị người bệnh.
  • Kiệt sức về cảm xúc: Thiếu tinh thần, động lực từ cấp trên hoặc trở nên thờ ơ, lãnh đạm trước những nhu cầu của người bệnh, dễ tổn thương: tâm thế thoái lui, tự cô lập, hành vi thay đổi rõ rệt theo hướng tiêu cực, đánh mất nhân cách vốn có và trở nên lập dị. Rơi vào trầm cảm và suy nhược nghiêm trọng.
  • Giảm năng suất làm việc: hiệu quả công việc giảm sút rõ rệt, không còn đảm bảo thực hiện đúng các yêu cầu công việc như tuân thủ quy trình bệnh viện, xảy ra sai sót/ sự cố y khoa, không còn duy trì giao tiếp chuyên nghiệp với người bệnh làm họ giảm sự hài lòng

Tương ứng với từng giai đoạn, dấu hiệu kiệt sức nghề nghiệp sẽ được biểu hiện qua thái độ, hành vi cụ thể như đã đề cập ở phần trên, tùy theo mức độ nặng hay nhẹ. Điều này hoàn toàn có thể quan sát được.

3. CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG GÂY ÁP LỰC DẪN ĐẾN KIỆT SỨC

  • Những đặc tính của nghề nghiệp

– Thời gian học tập dài, yêu cầu khắt khe, chi phí cao, khi xin việc tính cạnh tranh cao. Một tự sự của bác sĩ Bui Tuan Linh khoa hồi sức tích cực – chống độc chia sẻ “Hồi ôn thi nội có lúc tự dưng tôi muốn nhảy từ phòng ở xuống hoặc đập đầu vào tường. Chả hiểu sao tự nhiên mình lại nghĩ thế, bây giờ nghĩ lại vẫn còn sợ. May mà ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua thôi chứ mình trầm cảm lâu chắc nhảy lầu thật rồi. Không đâu xa, lớp mình có người đã nhảy lầu thật rồi đây này.”

– Luôn luôn không ngừng cập nhật và trao đổi kiến thức, kỹ năng mới chứng tỏ năng lực;

– Mỗi người có thể phải đảm nhiệm cùng lúc nhiều vai trò: bác sĩ kiêm trưởng khoa, làm cả công tác điều trị bệnh, giảng dạy và làm nghiên cứu khoa học, áp lực công bố các bài nghiên cứu trên các tạp chí/ báo cáo khoa học để khẳng định vị thế trong nghề nghiệp và trong xã hội.

  • Những đặc thù của bệnh viện, hệ thống y tế, luật pháp

– Phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục hành chính của hệ thống y tế và của bệnh viện. Ví dụ như bảo hiểm y tế, quy trình khám chữa bệnh, các quy định, chuẩn mực…

kiệt sức nghề nghiệp ở nhân viên y tế
             Nguồn ảnh: www.facebook.com/calamsanghay/

– Các bệnh viện tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải liên tục, chưa kể mùa cao điểm khi có dịch bệnh xảy ra;

– Giờ giấc làm việc, trực ca, tăng ca, chế độ nghỉ bù và các phúc lợi khác…

– Thu nhập không đủ trang trải, phải làm thêm ngoài giờ ở các phòng mạch tư hoặc làm kinh tế khác như buôn bán, chăn nuôi, trồng trọt;

– Thái độ, ứng xử, sự hợp tác của người bệnh và thân nhân gây khó khăn cho NVYT, phải ứng phó hằng ngày với muôn vàng cảm xúc tức giận, gây hấn, đau khổ, tuyệt vọng diễn ra xung quanh… cũng khiến các y bác sĩ mệt mỏi, chán nản.

  • Yếu tố cá nhân

– Đặc điểm tính cách của mỗi người: người có khuynh hướng cầu toàn luôn không cảm thấy hài lòng và lúc nào cũng đòi hỏi sự chính xác cao, người này lạc quan còn người kia thì bi quan, người có tinh thần và sức chịu đựng dẻo dai còn người khác lại chịu đựng kém… nhân sinh quan của mỗi người sẽ dẫn đến cách mà họ ứng phó/ phản ứng lại với các sự kiện đến với họ.

– Nỗi lo phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố y khoa hay những sai sót ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh. Sợ bị mất uy tín, danh tiếng trong nghề thậm chí bị truy tố trước pháp luật.

– Mất cân bằng giữa thời gian chăm sóc cho các nhu cầu của bản thân, gia đình với công việc.

– Sự giao tiếp giữa người bệnh và nhân viên y tế, giữa bác sĩ và điều dưỡng, giữa nhân viên và người quản lý đôi lúc có những quan điểm khác nhau, dẫn đến những xung đột hoặc bất đồng trong công việc khi chưa có kỹ năng để ứng phó với sự phức tạp trong môi trường làm việc.

 (Còn tiếp)

PHẦN 2: NHỮNG CÁCH HÓA GIẢI KIỆT SỨC NGHỀ NGHIỆP Ở NHÂN VIÊN Y TẾ

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thị Hồng Loan, (2012). Kiệt sức nghề nghiệp và cách hóa giải
  2. Hanh, T. N. (2012). Work: How to find Joy and Meaning in each hour of the day. California: Parallax Press.
  3. How to prevent employee burn out. (2019, December 15). Retrieved from Neilpatel Blog: https://neilpatel.com/blog/prevent-employee-burnout/
  4. Sherman, J. R. (1994), Preventing Caregiver Burnout, Minnesota: Pathway Books.
  5. Casserley, T (2009), Learning from Burnout: Developing Sustainable Leaders and Avoiding Career Derailment, Boston: Elsevier/ Butterworth-Heineman.
  6. Tinh, N. D. (2018). Bác sĩ cũng Trầm cảm. Báo Thanh Niên, https://thanhnien.vn/suc-khoe/bac-si-cung-bi-tram-cam-880387.html.