Nội dung bài viết
1. Cách vào cộng đồng
Khi đã chọn địa bàn, nếu là người bên ngoài cộng đồng, tác viên (Nhân viên y tế, cộng tác viên y tế thôn bản) chính thức bắt đầu đi vào cộng đồng với tác phong “TAM CÙNG” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm).

Việc đầu tiên của bước hội nhập cộng đồng là gặp gỡ cán bộ, lãnh đạo địa phương, những người có ảnh hưởng đến người dân để thông báo công khai mục đích, nhiệm vụ công tác của tác viên tại cộng đồng. Thông thường chính quyền địa phương giới thiệu cho tác viên một số cán bộ trực tiếp cộng tác với tác viên hoặc đóng vai trò hướng dẫn, giới thiệu tác viên với cộng đồng.
Vào cộng đồng, cách hay nhất để có được mối quan hệ tốt với người dân và hiểu sâu hơn về cộng đồng là tham dự những sinh hoạt, công việc của cộng đồng chẳng hạn như đan lưới cá, làm ruộng, chăn nuôi, tham gia đan thêu, làm việc nhà khi ở trong nhà người dân. Tóm lại có nhiều cách để sống gần gũi với dân và hoà nhập với lối sống của họ nhưng người tác viên cần luôn giữ phẩm chất, đạo đức của mình. Điều này có nghĩa là sống chung với họ và chia sẻ những kinh nghiệm sống như họ, kết quả cần đạt được là tạo mối quan hệ tin cậy, hiểu biết giữa tác viên và cộng đồng.
Ở NHỮNG NƠI NGƯỜI DÂN THƯỜNG NGỒI TRÊN SÀN / CHIẾU ĐỂ HỘI HỌP, TÁC VIÊN CÓ THỂ TỔ CHỨC HỌP HOẶC HUẤN LUYỆN DƯỚI HÌNH THỨC NGỒI QUANH CHIẾU NHƯ BÀ CON THƯỜNG LÀM. |
Tác viên cần có thời gian thâm nhập cộng đồng. Một vài điểm lưu ý tác viên trong quá trình hội nhập cộng đồng:

- Biết cách giới thiệu mình một cách rõ ràng, dễ chấp nhận;
- Không phô trương hình thức thái quá;
- Sống gần gũi với người dân;
- Cần có kiến thức và kỹ năng tổ chức cộng đồng;
- Có phẩm chất đạo đức;
- Sử dụng kinh phí một cách hợp lý, đúng tiến độ.
2. Những điều nên/ không nên làm khi vào cộng đồng (đến với dân)
NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM
- Tác phong: nhẹ nhàng, vui vẻ, gần gủi, chia sẻ, đoàn kết;
- Hoà nhập, tôn trọng, tin tưởng, không có khoảng cách;
- Tìm hiểu (quan sát) kỹ phong tục tập quán, địa lý, cơ sở hạ tầng, nhu cầu người dân;
- Gặp gỡ, hiểu rõ người dân và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân, tạo sự hợp tác hoà nhập với cộng đồng.
NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM
- Nói nhiều, hứa nhiều, hứa suông;
- Chủ quan, làm mà không lấy ý kiến cộng đồng, thiếu sự kết hợp;
- Nóng vội, hấp tấp, nóng nảy, chạy đua theo thành tích;
- Quan liêu, áp đặt, khoe khoang, xa cách cộng đồng;
- Cử chỉ hành động không đẹp mắt như: thiếu tôn trọng dân, uống rượu bia quá say, đối xử thiếu văn hoá;
- Đụng chạm riêng tư cá nhân, gây mất đoàn kết, chia rẽ cộng đồng;
- Chú ý hay có tình cảm thân thiết hơn với một vài người.
3. Tôn trọng giá trị, niềm tin, tín ngưỡng và phong tục tập quán của cộng đồng.
Đất nước ta có 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi nơi cũng có những nét phong tục tập quán, ngôn ngữ khác nhau. Là một tác viên cộng đồng, khi đến một địa phương nào đó để cùng làm việc, chúng ta nên tìm hiểu những giá trị, niềm tin, phong tục tập quán ở nơi đó để biết mình nên cư xử với người dân những gì, như thế nào và những gì không nên làm, nên tránh để tạo được mối quan hệ hợp tác với người dân.
Tôn trọng giá trị, niềm tin, tín ngưỡng và phong tục tập quán của cộng đồng có nghĩa là chúng ta biết chấp nhận sự khác biệt giữa ta và cộng đồng, không khen chê, khích bác.
4. Nhận thức về mình (Tác viên cộng đồng)
Người xưa có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Biết “ta” là khi tác viên cộng đồng đến với cộng đồng, tiếp xúc với người dân, tác viên cộng đồng cần biết rõ về mặt mạnh của mình để phát huy, đồng thời cũng cần biết rõ về những điểm hạn chế của mình nhằm tránh mối quan hệ với cộng đồng trở nên xấu đi. Ngoài biết ta, tác viên cộng đồng cũng cần biết “người” nghĩa là biết điểm mạnh và hạn chế cộng đồng, những người dân tại cộng đồng.
Với cộng đồng, tác viên cần hiểu rõ về văn hóa, giá trị, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cộng đồng, theo từng dân tộc, từng vùng miền.
Ví dụ một số thông tin về dân tộc Ê Đê (được trích từ Wikipedia)
- Văn hóa
Người Ê Đê có kho tàng văn học truyền miệng phong phú: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, đặc biệt là các Khan (trường ca, sử thi) nổi tiếng với Khan Đam San, Khan Đam Kteh M’lan… Người Ê Đê yêu ca hát, thích tấu nhạc và thường rất có năng khiếu về lĩnh vực này. Nhạc cụ có cồng chiêng, trống, sáo, khèn, Gôc, Kni, đàn, Đinh Năm, Đinh Tuốc là các loại nhạc cụ phổ biến của người Ê Đê và được nhiều người yêu thích.
- Đặc tính tâm lý
Người Ê Đê có lòng trung thực, kiên nhẫn với sự khó khăn, chịu đựng nhọc nhằn trong lao động, chăm chỉ, nhiệt tình trong công việc, nhưng dễ nổi loạn chống lại khi bị chèn ép và áp bức.
- Tôn giáo
Phần lớn người Ê Đê theo đạo Tin Lành được các nhà truyền giáo phương Tây truyền vào những năm đầu của thế kỷ XX. Đăk Lăk nơi tập trung đông người Ê Đê nhất cũng là nơi có tín đồ Tin Lành nhiều nhất Việt Nam, đây được coi một trong những trung tâm đạo Tin Lành lớn nhất khu vực Đông Dương.
Người Ê đê sử dụng lịch pháp Moise có nguồn gốc từ Do Thái giáo. Đó là ngày bắt buộc người Eđê phải nghỉ ngơi thờ phượng vào ngày thứ Bảy (Hruê Kjuh) hay còn gọi là Hrue Sabbath (shab-bawth’) tức ngày Chủ Nhật (Sunday) trong Công Lịch.
Người Ê Đê coi số 7 là con số linh thiêng, và con số tận trong hàng đơn vị tiếng Ê-Đê cùng sau con số 7 đều là những số ghép. Người Ê-đê theo Tin Lành thờ phượng đúng vào ngày Thứ Bảy mà họ gọi là (Hrue Sabbath): Ngày Nghỉ ngơi – Trùng vào ngày Chủ Nhật (Sunday) trong Công Lịch. Những ngày này đa số tín đồ thường kiêng không làm việc nương rẫy hay lao động chân tay khác. Đạo Tin Lành truyền thống của người Ê-đê hòa trộn nhiều tín ngưỡng bản địa có trước với nhiều quy tắc kiêng cử khá nghiêm ngặt: Cấm hôn nhân ngoại giáo, không ăn thịt động vật chết hay thú vật cắn, không ăn thực phẩm liên quan cúng tế ngoại giáo, cấm thờ ảnh tượng, không ăn huyết động vật và những thức ăn chế biến từ huyết động vật, cấm dùng đồ uống có men như rượu, bia và thuốc lá, đưa tang ma vào lúc 9 giờ buổi sáng theo quan niệm phải mặt trời (ánh bình minh) chiếu xuống huyệt góc 60 độ về hướng Tây(?)…
- Ẩm thực
Ẩm thực Ê Đê (tiếng Êđê: Drăp Bơng huă Anak Ê Đê) là sự hòa trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống với những phong cách nấu nướng đặc biệt. Mỗi món ăn hay toàn thể bữa ăn đều có sự phối trộn tinh tế giữa vị cay, chua, và đắng.
Vậy, biết người, cụ thể là cần biết người dân mà ta sẽ làm việc với họ là ai, họ làm gì, làm ở đâu, khi nào họ rãnh rỗi, thu nhập và cuộc sống họ ra sao, họ có gì, họ cần gì, họ muốn gì, họ thích gì? Họ e ngại điều gì, họ không ưa điều gì?
Tóm lại để biết “người” hay biết “ta” về mặt mạnh và hạn chế không phải là dễ, mà là một quá trình tìm hiểu cởi mở và chân thành. Khi nào cả hai bên điều biết rõ thực sự về nhau, khi đó mới có sự hợp tác thực sự, đó là khởi đầu cho sự thành công.
Biết mình để biết chấp nhận bản thân – chấp nhận người khác, kiểm soát bản thân và đặt mình vào vị trí của người khác.
Hãy cho người khác cái họ cần, họ muốn, họ thích. Tuy nhiên cái họ muốn, cái họ thích phải là nhu cầu đích thực và chính đáng, mang lại lợi ích cho chính họ, cho cộng đồng, và cũng cần phải nằm trong khuôn khổ của chương trình dự án.
Xem thêm: Nhân viên y tế thấu cảm, người bệnh thông thái
Bài viết có thể tải được theo link sau: Link
Tài liệu tham khảo
- Nhiều tác giả. (2016). Sổ tay hướng dẫn phát triển cộng đồng.
Retrieved from
https://www.jica.go.jp/partner/ngo_support/japandesk/ku57pq00001xamy3-att/jd_vietnam_05_01.pdf