Trong bài viết này đề cập đến 2 giai đoạn cuối trong việc thực hiện và lượng giá CTXH nhóm trong bệnh viện. Hai giai đoạn đầu trong phương pháp này có thể được tham khảo tại link sau.

1. Duy trì và tương tác nhóm trong quá trình thực hiện CTXH nhóm

 Phương pháp CTXH nhóm và các chủ đề để can thiệp dựa vào nhu cầu của từng nhóm mà nhân viên CTXH hỗ trợ. Chẳng hạn các nội dung để ứng dụng phương pháp CTXH nhóm như sau: 

  • Quản lý căng thẳng
  • Ứng dụng nghệ thuật vào trị liệu tâm lý
  • Tổ chức tư vấn nhóm các chủ đề về sức khỏe và chăm sóc người bệnh
  • Cách thực hành để giảm căng thẳng và lo âu
  • Lập kế hoạch sau xuất viện
  • Tâm lý người bệnh và tầm quan trọng của việc cách ly người bệnh v.v…

Vai trò của nhân viên CTXH đó chính là người điều phối và họ cần có những kỹ năng như giao tiếp, đặt câu hỏi, ghi chép các thông tin, hiểu rõ vấn đề để điều phối và kết nối các thành viên hoặc thân nhân tham gia. Đôi khi, người hướng dẫn cho từng nội dung có thể thay đổi tùy vào năng lực chuyên môn của mỗi người, nhân viên CTXH có nhiệm vụ kết nối các chuyên gia hoặc các bác sĩ có chuyên môn cùng tham gia chia sẻ các chủ đề

 Duy trì nhóm cần dựa vào kế hoạch làm việc với nhóm ban đầu, nội quy nhóm và quan trọng là các thành viên nhóm cần được nhắc lại hoạt động đã được thực hiện trong lần sinh hoạt hiện tại, và đề cập đến hoạt động cần tổ chức cho lần tiếp theo.

Trong mỗi lần sinh hoạt nhóm cần có ghi chép lại biên bản sinh hoạt nhóm và cần có sơ đồ tương tác nhóm, và cần có chú thích về các ký hiệu trong biên bản.

Để duy trì nhóm hiệu quả, nhân viên CTXH cần hiểu về cách tương tác nhóm và mục đích tương tác nhóm có tầm quan trọng đóng góp vào quá hình thành và duy trì nhóm

Sơ đồ tương tác nhóm

Sơ đồ tương tác nhóm – Nguồn: PCE – OUCRU

Mục đích của sơ đồ tương tác nhóm

Đánh giá sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm như hiệu quả nhóm, sự tham gia tích cực của các thành viên sẽ góp phần tạo ra được bầu không khí tích cực trong nhóm, động viên và kết nối các thành viên và giúp họ tin tưởng vào nhóm.

Nhân viên CTXH có thể đánh giá mức độ tham gia của các thành viên bằng phương pháp quan sát, ghi chép như cách giao tiếp, cử chi, hành vi trong quá trình tương tác nhóm để hiểu rõ hơn vấn đề cũng như kết quả mà các thành viên đạt được sau mỗi chủ đề mà họ tham gia. Nhân viên CTXH có thể ghi chép những trường hợp đặc biệt cần được trao đổi hoặc chia sẻ riêng như nhu cầu họ cần nâng đỡ về mặt cảm xúc hay các hỗ trợ xã hội khác.

Lưu ý rằng trong giai đoạn này, một số thành viên nhóm có thể “rời” nhóm bất kỳ lúc nào, và điều này là cần được chấp nhận (nên được đề cập trong nội quy nhóm) mà không có bất kỳ một phán xét nào. Những nguyên nhân có thể làm thành thân nhân không tiếp tục tham gia nhóm bao gồm: người bệnh được xuất viện do có sự tiến triển trong kết quả điều trị bệnh, người bệnh đột ngột qua đời, thân nhân cảm thấy chưa thật sự thoải mái khi tham gia nhóm hoặc tin tưởng vào nhóm và sự thay đổi người chăm sóc người bệnh

2. Lượng giá 

Để đánh giá sự hiệu quả của phương pháp CTXH nhóm, nhân viên CTXH cần có những kiến thức và kỹ năng lượng giá sau mỗi chủ đề hoặc sau một khoảng thời gian thực hiện kế hoạch. Phần đánh giá có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như đánh giá trước và sau mỗi chủ đề hoặc quan sát và ghi chép cho mỗi buổi sinh hoạt

Nội dung lượng giá có thể bao gồm:

  • Mức độ căng thẳng và lo lắng của họ trong thời điểm hiện tại
  • Những nội dung/ chủ đề/ cách thực hành nào mà họ có thể ứng dụng cho chính mình
  • Chia sẻ những trải nghiệm mà họ có được trong quá trình tham gia nhóm
  • Mức độ hài lòng khi tham gia nhóm
  • Những điểm cần cải thiện của bản thân, và nhóm tổ chức hoạt động tại bệnh viện

Lượng giá này giúp nhân viên CTXH và người tham gia có thể 

  •  Nhìn lại và phản hồi về toàn bộ tiến trình họ đã tham gia và đánh giá hiệu quả của từng nội dung/ hoạt động
  • Cơ hội để  chia sẻ sự học hỏi, thay đổi của bản thân
  • Giúp nhân viên CTXH, nhân viên y tế nhìn nhận tác động thực tế khi sử dụng phương pháp này trên nhóm thân nhân, và những điểm cần cải thiện
Ví dụ về lượng giá CTXH nhóm – Nguồn: PCE – OUCRU

Tài liệu tham khảo

  1. Kelly, B. L. (2017). Group Work in Health Care Settings. In C. D. Gavin, & M. J. Lorraine M. Gutiérrez, Handbook of Social Work with Groups (pp. 203-219). The Guilford Press.
  2. (2017). Tài liệu hướng dẫn thực hành (dành cho cán bộ cấp xã) CTXH Nhóm. Việt Nam.
  3. Oanh, N. T. (2002). Công tác xã hội nhóm. Việt Nam.
  4. Rengasamy. (2011). Student’s Guide to Social Group Work. Madurai, India.