Ứng dụng CTXH nhóm vào trong bệnh viện thông qua các hoạt động can thiệp trong nghiên cứu: “Tìm hiểu và làm giảm căng thẳng, lo âu cho thân nhân bệnh nhân nhập khoa Nhiễm Việt Anh và Khoa Cấp cứu Hồi Sức Chống độc tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (BVBNĐ)”được thực hiện với sự hợp tác BV BNĐ và Phòng Kết nối Khoa học với Công chúng (OUCRU).
Bước 1: Chuẩn bị
Nhiệm vụ nhân viên CTXH đã hiểu và xác định được nhu cầu của đối tượng cần hỗ trợ, cụ thể trong nghiên cứu này thì đó chính thân nhân tại khoa bệnh. Ngoài ra, nhiệm vụ nhân viên CTXH còn trao đổi và chia sẻ với cấp lãnh đạo về tính hiệu quả của CTXH nhóm đến đối tượng cần can thiệp hỗ trợ. Trọng tâm thảo luận với lãnh đạo hoặc các khoa liên quan đó là:
- Tính hiệu quả của hoạt động này góp phần gì trong quá trình điều trị của người bệnh (ví dụ như sự căng thẳng của thân nhân người bệnh dẫn đến tâm lý hoang man dẫn đến sự tính hợp tác giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân không hiệu quả.
- Thời gian thực hiện CTXH nhóm diễn ra bao lâu? Ai là người liên quan? Tính bảo mật thông tin như thế nào?
- Dự trù ngân sách chi tiết cho hoạt động?
- Nhân lực phòng CTXH: ai sẽ là người phụ trách chính, theo dõi và đánh giá tính hiệu quả.
Bước 2: Hình thành nhóm
a. Chọn đối tượng tham gia
Dựa vào vào nhu cầu người bệnh mà nhóm nghiên cứu và phòng CTXH thu thập được để chọn đối tượng tham gia vào hoạt động can thiệp bằng phương pháp CTXH nhóm. Để hỗ trợ việc chọn đối tượng tham gia, chúng ta cần trao đổi với các bác sĩ và điều dưỡng phụ trách chính tại khoa để có thể hợp tác tốt trong quá trình thực hiện và tổ chức hoạt động.
Ngoài ra, khi mời thân nhân tham gia hoạt động này, nhân viên CTXH cần giới thiệu cụ thể mục tiêu của hoạt động và những hiệu quả có thể giúp họ giảm sự căng thẳng và lo âu và quan trọng là đảm bảo tính bảo mật thông tin cho cả người bệnh và thân nhân bệnh nhân
Lưu ý khi lựa chọn thành viên để hình thành nhóm, chúng ta cần cân nhắc:
- Người tham gia là thân nhân của người bệnh thuộc cùng một khoa
- Họ có những mối quan tâm gần giống nhau
- Sẵn sàng tham gia nhóm và cam kết tham gia đầy đủ các buổi thảo luận. Tuy nhiên, loại trừ những trường hợp trong quá trình tham gia thì người bệnh hoặc họ có thể xuất viện hoặc người bệnh qua đời, vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào tiến trình điều trị bệnh của người bệnh.
- Đảm bảo tính bảo mật thông tin trong nhóm
- Một nhóm từ 7 đến 10 thành viên là lý tưởng cho việc thực hiện các hoạt động trong nhóm.
- Nhóm không nên đông cũng không quá it, dưới 7 ý kiến thu thập từ các thành viên không được phong phú và nhiều hơn 10 sẽ khó khăn trong việc tập hợp ý kiến từ thành viên.
b. Hình thành nhóm
Nhân viên CTXH điều phối nhóm bằng cách giới thiệu mục tiêu hoạt động: Giúp thành viên nhóm giảm căng thẳng, lo lắng thông qua tương tác nhóm tích cực, và nâng đỡ tâm lý xã hội.
Cung cấp kiến thức và kỹ năng chăm sóc người bệnh trong và sau khi xuất viện.
Lưu ý: Mục tiêu này liên quan đến những nhu cầu hoặc cùng mối quan tâm giữa thân nhân với nhau. Nhân viên CTXH giúp nhóm xác định loại hình của nhóm là gì, ví dụ: nhóm muốn tập trung thay đổi về kiến thức, hành vi, thái độ hay kỹ năng của các thành viên trong nhóm
c. Nguyên tắc nhóm
Được hiểu như là những điều quy định của nhóm mà các thành viên phải thực hiện, điều này cũng cần được thảo luận từ các thành viên, đảm bảo đơn giản, và được thành viên đồng tình. Bao gồm liên quan đến: thời gian sinh hoạt, sự tôn trọng, bảo mật, sự tham gia
d. Lập kế hoạch và thực hiện
Nhân viên CTXH và nhóm nghiên cứu đã có kế hoạch thực hiện dựa vào nhu cầu của thân nhân người bệnh. Dựa trên các ý kiến của thành viên, thời gian ước tính điều trị, nhân viên CTXH hỗ trợ nhóm ghi tóm tắt lại những hoạt động/ nội dung/ chủ đề sẽ thực hiện tương ứng với thời gian, địa điểm, người tham gia một cách cụ thể. Đây là những nội dung quan trọng không thể thiếu trong một kế hoạch.
Bằng phương pháp CTXH nhóm, chúng tôi đã hướng dẫn, điều phối tham gia các buổi sinh hoạt thông qua các chủ đề cụ thể như sau:
Chủ đề 1: Giới thiệu mục tiêu đến các thành viên; nhân viên CTXH điều phối nhóm xây dựng mục tiêu của nhóm, nội quy cũng như các mong đợi
Chủ đề 2: Ứng dụng nghệ thuật vào hỗ trợ tâm lý xã hội. Mục tiêu chính là giải tỏa căng thẳng và tăng cảm xúc tích cực cho thân nhân thông qua các hình ảnh, đường nét vẽ, những vật dụng do chính mình tạo nên. Khuyến khích thân nhân vẽ tranh là cơ hội để thân nhân bày tỏ không chỉ cảm xúc mà còn là sự mong đợi, ước mơ và những hy vọng tích cực
Chủ đề 3: Xác định các dấu hiệu căng thẳng và một số cách ứng phó với sự căng thẳng: hoạt động này được chia sẻ và xác định cảm xúc của thân nhân người bệnh, đồng thời chia sẻ những dấu hiệu về mặt thể chất báo hiệu sự căng thẳng và cách mà mỗi cá nhân có thể tự quản lý sự căng thẳng của mình. Trong buổi này, thân nhân còn được biết thêm cách chấp nhận tin xấu của người bệnh tùy theo tình trạng và phác đồ điều trị của người bệnh
Chủ đề 4: Kỹ năng chăm sóc người bệnh sau xuất viện nhằm chia sẻ các thông tin sức khỏe và thân nhân người bệnh có cơ hội trao đổi thông tin, đặt câu hỏi với bác sĩ để có những kiến thức, kỹ năng về căn bệnh mà người bệnh đang điều trị.
Kết quả chung trong việc ứng dụng CTXH nhóm này là các thành viên nhóm có tương tác tích cực với nhau thông qua hoạt động vẽ tranh chung, họ tin tưởng và chia sẻ cởi mở hơn. Ngoài ra, họ còn tương trợ lẫn nhau trong quá trình sinh hoạt ở nhà lưu trú. Các chủ đề đều giúp thân nhân người bệnh hân nhân cảm thấy nhẹ nhõm hơn, cảm giác nặng nề tâm lý vơi đi
Từ kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi nhận rằng phương pháp CTXH với nhóm đã mang lại những hiệu quả đáng kể trong việc hỗ trợ hân nhân giảm đi lo âu và căng thẳng. Cụ thể như sau
- Thông qua nhóm thành viên có được tương tác và chia sẻ tích cực đặc biệt là về mặt cảm xúc.
- Môi trường nhóm nhỏ tạo ra cảm giác an toàn cho thân nhân khi tham gia.
- Tăng cường được sự tin tưởng giữa thân nhân và nhân viên y tế nói riêng và bệnh viện nói chung. Hạn chế được những nguy cơ xảy ra mâu thuẫn và tăng sự thấu cảm lẫn nhau.
Vì thế, phương pháp CTXH với nhóm có tiềm năng nhân rộng ra cho các khoa khác nhau với nội dung và thời gian linh hoạt theo từng khoa và bối cảnh chung của các phòng CTXH tại bệnh viện. Chúng tôi khuyến khích nhân viên CTXH bệnh viện có thể linh hoạt các chủ đề để có thể ứng dụng CTXH nhóm này một cách hiệu quả nhất.
Còn tiếp phần 3: Giai đoạn duy trì nhóm và lượng giá – kết thúc nhóm
Tài liệu tham khảo
- Kelly, B. L. (2017). Group Work in Health Care Settings. In C. D. Gavin, & M. J. Lorraine M. Gutiérrez, Handbook of Social Work with Groups (pp. 203-219). The Guilford Press.
- (2017). Tài liệu hướng dẫn thực hành (dành cho cán bộ cấp xã) CTXH Nhóm. Việt Nam.
- Oanh, N. T. (2002). Công tác xã hội nhóm. Việt Nam.
- Rengasamy. (2011). Student’s Guide to Social Group Work. Madurai, India.