1. Giới thệu tổng quan về công tác xã hội nhóm trong bệnh viện

Theo tác giả Konapka (1963): “Công tác xã hội (CXTH) nhóm là phương pháp công tác xã hội giúp cá nhân tăng cường chức năng xã hội thông qua việc trải nghiệm hoạt động trong nhóm, từ đó giúp họ đối mặt để giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề của cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng  (S.Rengasamy, 2011)

Theo định nghĩa trên cho thấy, bên cạnh phương pháp làm việc với cá nhân, thì phương pháp CTXH nhóm cũng có thể ứng dụng làm việc với những nhóm người yếu thế trong từng môi trường khác nhau, với mục tiêu hướng đến cuối cùng là hỗ trợ và giúp họ tự giải quyết những vấn đề mà họ gặp phải thông qua những tương tác tích cực trong nhóm.

Đối với thân nhân khi chăm sóc người bệnh tại bệnh viện, đặc biệt là những khoa có người bệnh nặng phần lớn họ phải đối mặt với sự lo lắng, căng thẳng và điều này có thể kéo dài làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng sức khỏe hiện tại. Bên cạnh đó, thân nhân cần được chia sẻ thông tin về tình trạng người bệnh, những giải đáp thắc mắc liên quan đến tình trạng bệnh từ nhân viên y tế; Họ cần được quan tâm, nâng đỡ về mặc cảm xúc, những lo âu của mình. Và nhu cầu có được mối quan hệ tốt, tương tác tích cực với những thân nhân khác cùng hoàn cảnh tại bệnh viện.

Việc ứng dụng phương pháp CTXH nhóm trong môi trường bệnh viện là một điều khá mới mẻ ở các bệnh viện tại Việt Nam bởi tính hiệu quả, sự tác động của phương pháp này đối với quá trình hồi phục của người bệnh, hay những tác động tích cực với thân nhân tại bệnh viện chưa được nhìn thấy một cách rõ nét. Trong bài viết này, tác giả tập trung vàc khía cạnh ứng dụng phương pháp CTXH nhóm để hỗ trợ thân nhân giải tỏa được lo lắng, căng thẳng, hợp tác tích cực với nhân viên y tế trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

2. Lợi ích của việc ứng dụng phương pháp CTXH nhóm trong bệnh viện?

Mục đích của CTXH nhóm trong bệnh viện nhằm tạo ra hoạt động, hỗ trợ cho thân nhân hoặc người bệnh giúp họ giải quyết được những khó khăn, thách thức trong quá trình điều trị, chăm sóc tại bệnh viện. Những vấn đề ấy có thể liên quan đến: căng thẳng, lo âu, tài chính, giao tiếp, tiếp cận thông tin có liên quan trực tiếp đến thân nhân, người bệnh. Một cách chi tiết hơn, CTXH có thể đem lại những lợi ích sau:

Đối với người bệnh và thân nhân nhân:

  • Được hỗ trợ nâng đỡ tâm lý thông qua tương tác tích cực trong nhóm
  • Tăng cường cơ hội học hỏi, kinh sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa thân nhân, người bệnh
  • Được giải đáp các thắc mắc thông qua tương tác trực tiếp với nhân viên y tế trong một vài hoạt động của nhóm.
  • Phát triển những tiềm năng vốn có của cá nhân (lãnh đạo, kỹ năng điều phối v.v…)
  • Giúp sử dụng thời gian rãnh rỗi một cách có ích (S.Rengasamy, 2011)
  • Tìm thấy được sự đồng cảm và chia sẻ từ các thành viên trong nhóm, nhân viên xã hội và nhân viên y tế, chuyên gia tâm lý.

Đối với phòng CTXH trong bệnh viện:

  • Có cơ hội “trải nghiệm” về những mối quan tâm và lo lắng thực tế của thân nhân/ người bệnh
  • Thúc đẩy tạo ra những sáng kiến, hỗ trợ người bệnh một cách thực tế, khoa học, nâng cao được chuyên môn.
  • Tăng cơ hội hỗ trợ giúp nhân viên y tế hiểu hơn về nhu cầu tâm lý – xã hội của người bệnh, thân nhân.
  • Thúc đẩy được sự công bằng về cơ hội tiếp cận dịch vụ sức khỏe cho người bệnh, thân nhân.

Đặc điểm của CTXH nhóm trong bệnh viện:

  • Được tổ chức dựa trên nhu cầu của thân nhân, người bệnh.
  • Có sự tham gia của nhóm đa ngành để làm việc cùng với nhóm thân nhân, người bệnh. Bao gồm: Nhân viên xã hội, nhân viên y tế, chuyên gia tâm lý, nhân viên về dinh dưỡng, vật lý trị liệu.
  • Mỗi thành viên có được kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm riêng của bản thân khi tham gia vào các hoạt động.
  • Nhân viên y tế và thân nhân, người bệnh thấu hiểu lẫn nhau, thúc đẩy được mối quan hệ người điều trị và người được điều trị trở nên tốt, tích cực hơn.
  • Mỗi thành viên tham gia được chấp nhận bởi nhóm bao gồm chấp nhận về niềm tin, tôn giáo, giới tính, tình trạng thể chất và tinh thần.

Còn tiếp phần 2: Tiến trình CTXH nhóm trong bệnh viện

Tài liệu tham khảo

  1. Kelly, B. L. (2017). Group Work in Health Care Settings. In C. D. Gavin, & M. J. Lorraine M. Gutiérrez, Handbook of Social Work with Groups (pp. 203-219). The Guilford Press.
  2. (2017). Tài liệu hướng dẫn thực hành (dành cho cán bộ cấp xã) CTXH Nhóm. Việt Nam.
  3. Oanh, N. T. (2002). Công tác xã hội nhóm. Việt Nam.
  4. Rengasamy. (2011). Student’s Guide to Social Group Work. Madurai, India.