Biên soạn: ThS. Nguyễn Quốc Giang

Tiến trình giải quyết vấn đề là một nỗ lực can thiệp vào cuộc sống của thân chủ thông qua những phương pháp của công tác xã hội (CTXH) và sử dụng các nguồn tài nguyên như kiến thức, hoặc các dịch vụ cung cấp từ các tổ chức; nhờ những trợ giúp cụ thể này, thân chủ (TC) có thể tự nỗ lực giải quyết vấn đề của mình.

Các kết quả có thể đạt được khi tiến trình giải quyết vấn đề được sử dụng là:

  • Vấn đề được giải quyết;
  • Vấn đề chưa giải quyết nhưng thân chủ có thể tiếp tục sống với những lí do có thể chấp nhận được;
  • Sự thay đổi trong cảm xúc của thân chủ đối với vấn đề, giúp thân chủ đối diện với vấn đề.
Credit: PE-OUCRU

1. Thiết lập mối quan hệ với thân chủ trong tiến trình giải quyết vấn đề

Xây dựng mối quan hệ
Nguồn: www.nicepng.com
  • Tạo mối quan hệ với thân chủ hướng đến việc hợp tác và chia sẻ thông tin;
  • Thiết lập mối quan hệ trợ giúp;
  • Mối quan hệ này tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp CTXH;
  • Khuyến khích và tạo động lực cho thân chủ tìm đến các buổi kế tiếp;
  • Trong giai đoạn này, NVXH có thể sử dụng những nội dung sau để bắt đầu thảo luận với thân chủ của mình
  • Hiểu biết rõ hơn về nguyên do thân chủ cần tìm nhân viên CTXH để giải quyết vấn đề;
  • Tác động của những vấn đề này tới việc thực hiện các thể chất của cá nhân thân chủ và chức năng xã hội khác;
  • Những điều kiện sống hiện tại của thân chủ: y tế, vệ sinh, các nhu cầu khác…
  • Tìm hiểu về các hệ thống trợ giúp: gia đình, bạn bè, xóm giềng…
  • Những thông tin cần thiết của một người ở nhiều khía cạnh như giáo dục, những mối quan hệ, tiểu sử công việc, tiểu sử pháp luật…
  • Nhu cầu, mong muốn hiện tại của thân chủ.

2. Xác định và phân tích vấn đề

Xác định và phân tích vấn đề
Nguồn: www.flaticon.com

Khi thân chủ gặp nhân viên CTXH, họ đã giới thiệu vấn đề cơ bản của mình đang đối diện. Tuy nhiên, do những hạn chế về năng lực trình bày, sự đau yếu về thể chất hoặc những lý do tế nhị khác khiến thân chủ không thể bày tỏ được cội nguồn của vấn đề, họ chỉ dễ dàng chia sẻ các triệu chứng.

Vai trò nhân viên CTXH cần tìm hiểu nguyên nhân cốt lõi từ việc thu thập các thông tin thông qua các câu hỏi liên quan đến môi trường sống, nền tảng của thân chủ và các mối tương quan với thân chủ. Ví dụ như một cụ bà đến bệnh viện không có người thân chăm sóc do không có con cái, cháu không quan tâm và bà cảm thấy cô đơn, thiếu sự chia sẻ. Vai trò nhân viên CTXH tìm hiểu được lý do con cháu không nhận trách nhiệm chăm sóc hay quan tâm đến bà, nếu bà xuất viện thì còn có ai có thể chăm sóc bà?

3. Đánh giá ban đầu

Đây là giai đoạn mà nhân viên CTXH hiểu cơ bản về bối cảnh và điều kiện của thân chủ cũng như nhu cầu và các mong đợi được hỗ trợ

  • Đánh giá ban đầu về những vấn đề thân chủ đang gặp phải;
  • Những thông tin cần thiết của một người ở nhiều khía cạnh như giáo dục; những mối quan hệ, tiểu sử công việc, tiểu sử pháp luật;
  • Những gì thân chủ cần để làm cho cuộc sống ổn định hơn và giải quyết vấn đề
  • hiện tại;
  • Những tiềm năng bao gồm tiềm năng mà thân chủ có trong bối cảnh của thân chủ, sẽ có ích trong việc giải quyết tình trạng hiện thời;
  • Đưa ra những nhận xét tổng quan tích cực để thúc đẩy động lực của thân chủ thực hiện các chức năng xã hội và có được sức khỏe tâm trí ổn định
  • Những nhận xét về như thế nào là tốt cho một người thực hiện chức năng một cách có hiểu biết và những vấn đề tâm thần mà bạn chú ý.

Nhân viên CTXH cần tìm hiểu về tiểu sử xã hội của thân chủ:

  • Điểm mạnh;
  • Điểm yếu;
  • Vấn đề;
  • Những ấn tượng và đề xuất của NVXH.

4. Phát triển kế hoạch can thiệp

Sau khi xác định được vấn đề, đánh giá được các nhu cầu của thân chủ thì nhân viên CTXH cần

  • Thảo luận với thân chủ về những kế hoạch can thiệp có thể hỗ trợ thân chủ giải quyết vấn đề
  • Kế hoạch can thiệp được xây dựng trên cơ sở những thông tin thu thập được từ chính thân chủ và hiểu biết của NVXH về các hệ thống hỗ trợ, hệ thống mục tiêu.

Lưu ý:

  • Kế hoạch phải mang tính bao quát ở các mức can thiệp khác nhau từ vi mô, trung mô đến vĩ mô (nếu cần thiết);
  • Theo trình tự thời gian như ngắn hạn, trung hạn và dài hạn (nếu cần thiết);
  • Trong đó nêu rõ địa điểm thực hiện, thời gian, những nguồn lực dự kiến cần huy động để hỗ trợ kế hoạch can thiệp.
  • Kế hoạch can thiệp này cần lưu ý đến những rủi ro có thể xảy ra với thân chủ vì không phải kế hoạch nào cũng toàn diện

5. Thực hiện và giám sát việc thực hiện kế hoạch

  • Theo dõi tiến trình thực hiện kế hoạch can thiệp;
  • Hỗ trợ, động viên thân chủ trong việc thực hiện kế hoạch;
  • Cần có những kỹ năng nhận biết sự thay đổi;
  • Lượng giá từng giai đoạn nhỏ và có sự điều chỉnh kịp thời.

6. Lượng giá

  • Lượng giá về tiến trình và kết quả đầu ra: những việc đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân, những kiến nghị, đề xuất. Lượng giá này dựa trên những công việc thực hiện được nhằm hướng đến việc giải quyết vấn đề của thân chủ;
  • Xác định vai trò của NVXH: giảm dần;
  • Xác định vai trò của thân chủ: tham gia nhiều hơn, chủ động hơn;
  • Phát triển một số kế hoạch tiếp theo (nếu cần thiết).

7. Kết thúc

NVXH có thể phát triển một số kế hoạch tiếp theo để thân chủ để thực hiện. Thông thường, giai đoạn kết thúc diễn ra khi các mục tiêu can thiệp đạt được hay vấn đề của thân chủ được giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn có một số lí do khác khiến việc can thiệp phải kết thúc đột ngột:

  • Thân chủ tự vượt qua được;
  • Thân chủ không đủ khả năng theo đuổi kế hoạch;
  • Thân chủ qua đời;
  • Thân chủ không đồng ý tiếp tục nhận dịch vụ;
  • Chuyển tuyến…

Tài liệu tham khảo

  1. SDRC- ESP. (2012). Tài liệu tập huấn CTXH cá nhân và gia đình.
  2. Charles H, Zastrow. (1999). The Practice of Social Work – CTXH Thực hành. Cole Publishing Company, United States of America.
  3. Dean H. Hepworth & Jo Ann Larsen. (1993). Direct Social Work Practice – Hướng dẫn CTXH Thực hành. Cole Publishing Company, Pacific Grove, California.
  4. Nguyễn Thị Oanh. (1998). Công tác xã hội đại cương, NXB Giáo dục.
  5. SDRC. Tài liệu tập huấn “ Quản lý ca”

Xem thêm: Phân Biệt Giữa Công tác Xã Hội và Công Tác Từ Thiện