Nội dung bài viết
Vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt cho Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (CTXH) trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020. Qua đó xác định rõ định hướng phát triển và công nhận CTXH trở thành một nghề chính quy ở Việt Nam và nhân viên CTXH đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội. Điều này cũng chính là cơ sở cho việc hình thành và phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực bệnh viện.
1. Khái niệm công tác xã hội bệnh viện

- Công tác xã hội được xem như là một hình thức làm việc cụ thể với các trường hợp tập trung vào mối quan hệ giữa bệnh tật và môi trường xã hội. Theo Bartlett (1) “Đấy là một chức năng quan trọng của nhân viên xã hội liên quan đến cách nhìn nhận những vấn đề của người bệnh không đơn giản là việc điều trị y tế thuần túy mà còn liên quan đến các vấn đề xã hội. Với cách này, nhân viên xã hội sẽ tạo điều kiện mở rộng quá trình điều trị y tế cho bệnh nhân”.
- Theo tài liệu hướng dẫn cho nhân viên xã hội trong lĩnh vực y tế của Bộ Y Tế Philippines (2) nêu rõ “Công tác xã hội bệnh viện là một lĩnh vực chuyên môn của công tác xã hội tập trung việc hỗ trợ những bệnh nhân và gia đình của họ liên quan đến các vấn đề về y tế và sức khỏe. Giúp cho họ tự chủ và góp phần vào việc nâng cao sức khỏe cộng đồng và phúc lợi xã hội” (Medical Social Work handbook- Philippines General Hospital)
Có nhiều khái niệm về CTXH bệnh viện trên thế giới và tại Việt Nam, tuy nhiên, khái quát hóa thì CTXH bệnh viện chính là lĩnh vực chuyên môn mà nhân viên CTXH hỗ trợ người bệnh, thân nhân người bệnh có thể tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ xã hội và các hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn diện.
2. Đặc điểm của CTXH trong bệnh viện

- Đây là một hoạt động chuyên môn của ngành CTXH;
- Liên quan đến hai yếu tố quan trọng bệnh tật và yếu tố môi trường xã hội tác động đến bệnh tật;
- Nhấn mạnh đến việc công tác xã hội trong bệnh viện thúc đẩy quá trình điều trị bệnh có hiệu quả ở góc độ tâm lý xã hội và những yếu tố khác liên quan bên cạnh y học;
- Bên cạnh đó, người làm CTXH làm việc trong môi trường nhóm đa thành phần và nhấn mạnh đến sự hợp tác, sự phối hợp với các nguồn lực… Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình trị liệu toàn diện cho bệnh nhân. (Nhóm đa thành phần như nhân viên y tế tại các khoa lâm sàng, cận lâm sàng và các phòng chức năng)
Huy động các nguồn lực để hỗ trợ những trường hợp người bệnh đang gặp khó khăn tại bệnh viện như vấn đề tài chính để chi trả các chi phí, tiếp cận các dịch vụ xã hội. Vậy làm thế nào để xác định sự khác nhau giữa từ thiện và công tác xã hội bệnh viện?
Chúng tôi dẫn chứng ví dụ cụ thể sau đây để thấy rõ hơn về vai trò của nhân viên CTXH đối với việc hỗ trợ người bệnh tại bệnh viện Nhiệt Đới (2).
Phòng CTXH bệnh viện Nhiệt Đới có nhân viên phụ trách quản lý trường hợp (những trường hợp cần được giúp đỡ tại bệnh viện) phải tìm hiểu kỹ về từng hoàn cảnh cá nhân theo quy trình quản lý ca chuyên nghiệp như phiếu tiếp nhận, hồ sơ xã hội, lập kế hoạch hỗ trợ, giám sát và lượng giá quá trình hỗ trợ… Nếu như là hoạt động từ thiện, nhân viên y tế trước đây phụ trách sẽ có khuynh hướng tìm các mạnh thường quân và hỗ trợ toàn bộ chi phí. Kể từ khi CTXH bệnh viện bắt đầu thành lập và phát triển, nhân viên CTXH có vai trò thu thập thông tin, khai thác và huy động về những nguồn lực của chính người bệnh, gia đình về tài chính để tăng tính cam kết và trách nhiệm của cả hai bên. Bên cạnh đó việc này còn hạn chế sự ỷ lại, phụ thuộc của người bệnh hay thân nhân vào các mạnh thường quân.
Ở khía cạnh khác, nhân viên CTXH còn hỗ trợ về mặt cảm xúc, trấn an những lo lắng của người bệnh và thân nhân; hướng dẫn, hỗ trợ họ tiếp cận các dịch vụ xã hội khác như giới thiệu đến các trung tâm tập vật lý trị liệu, trung tâm nuôi những người già neo đơn không ai chăm sóc…
Từ ví dụ minh họa trên cho thấy được CTXH trong bệnh viện góp phần thúc đẩy quá trình khám và điều trị bệnh có hiệu quả từ việc cung cấp thông tin, tư vấn cho đến việc huy động nguồn lực, đảm bảo hỗ trợ người bệnh và thân nhân tối đa, mang lại sự hài lòng cho người bệnh, thân nhân. Vì thế, vai trò của nhân viên CTXH trong bệnh viện rất quan trọng để hỗ trợ người bệnh, thân nhân người bệnh có thể tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ xã hội và được hỗ trợ về mặt tâm lý. Điều này góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện và hướng đến nâng cao chất lượng bệnh viện.
Xem thêm: Phân biệt giữa công tác xã hội và công tác từ thiện
Tài liệu tham khảo:
- Trung tâm Nghiên cứu – Tư vấn Công tác xã xội và Phát triển cộng đồng (SDRC). (2012). Tài liệu tập huấn Giới thiệu nghề CTXH Dự án “Nâng cao năng lực cho nhân viên CTXH cơ sở ở Tp.HCM”.
- Bộ Y tế Philippines. (1994). Cẩm nang dành cho nhân viên y tế xã hội.
- (1)Harriett M. Bartlett (1897-1987) là một nhân viên xã hội và nhà lý luận, từng là chủ tịch của Hiệp hội Nhân viên Y tế Xã hội Hoa Kỳ từ 1942-1944.
- (3) Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Nhiệt Đới Tp. HCM được thành lập ngày 01/08/2017 theo Quyết định số 162/QĐ – BVBNĐ