Công việc của ngành y tế là công việc của đam mê, của tình yêu thương và sự hy sinh. Để nhân viên y tế hết mình vì công việc, duy trì sự đam mê thì các bệnh viện phải tạo môi trường làm việc lành mạnh, chế độ đãi ngộ xứng đáng
Làm việc trong môi trường y tế, có lẽ trong chúng ta ít nhất vài lần tự hỏi tại sao công việc này cực nhọc đến thế, tại sao có nhiều áp lực đến như vậy. Đôi lúc chúng ta làm mà quên đi thật sự mình muốn gì, làm gì để phát triển bản thận và yêu nghề hơn.
Điều gì giữ chân nhân viên y tế?
Có ai hiểu được bác sĩ phải làm việc vất vả hơn rất nhiều so với người bình thường? Bỡi lẽ ngoài thời gian điều trị cho bệnh nhân còn phải tự tìm tòi, học hỏi, cập nhật kịp thời những kiến thức y khoa hiện đại để tiếp cận những cách điều trị tân tiến của thế giới.
Có ai hiểu rằng để bệnh nhân được chăm sóc chu đáo, tử tế thì người điều dưỡng phải rèn luyện rất nhiều để có kỹ thuật chuyên môn thành thạo và dành nhiều thời gian để hoàn tất hồ sơ bệnh án cùng bác sĩ. Có ai biết ngoài kia có bao nhiêu điều dưỡng đã tăng ca liên tục do khối lượng công việc nhiều, đặc biệt trong giai đoạn các bệnh viện đang tự chủ về tài chính và vấn đề thiếu nhân lực chăm sóc bệnh nhân xảy ra thường xuyên.
Vậy thì điều gì giữ chân nhân viên y tế ở lại với nghề? Chỉ có niềm say mê, hứng thú và mong muốn người bệnh được hồi phục sức khỏe mới gắn bó họ lâu dài với công việc vất vả này.
Bạn nghĩ gì khi bước vào ngành y?
Vậy tại sao có những nhân viên y tế làm việc rất nhiệt tình, hăng say, hứng thú với nghề thì cũng đâu đó vẫn còn số ít nhân viên y tế lại không được như vậy? Chúng ta cần nhìn lại động lực nào để thúc đẩy hành động của họ.
Về mặt lý thuyết thì động lực là định hướng, là mục tiêu thúc đẩy để mình hành động để làm sao đạt được điều mà mình mong muốn. Để đạt được mục tiêu thì cần động lực. Động lực bao gồm động lực bên trong và động lực bên ngoài.
Động lực bên trong đó chính là niềm đam mê, sự yêu nghề, ước mơ được chăm sóc, điều trị và giữ gìn sức khỏe cho người khác. Đây là điều mà họ đã chọn khi bước vào ngành y.
Động lực bên ngoài để giữ chân bác sĩ hay điều dưỡng là môi trường làm việc của bệnh viện, là mức thu nhập, là sự động viên, khuyến khích và hỗ trợ, quan tâm từ người lãnh đạo.
Như vậy về bản chất khi nhân viên y tế làm việc với sự hăng say và niềm đam mê thì là do lúc đó động lực nội tại đang điều khiển. Họ làm bởi vì thấy cần làm, thích làm. Khi họ làm với sự mệt mỏi thi đó là vì họ không có động lực nội tại mà chỉ có động lực bên ngoài như tiền công.
Nếu như nhân viên y tế đi làm chỉ có động lực bên trong mà thiếu đi động lực bên ngoài thì liệu rằng cơ sở y tế đó có thúc đẩy người ta phấn đấu, nỗ lực và năng động không? Ngược lại, nếu nhân viên y tế chỉ có động lực bên ngoài thì liệu họ có cân bằng được cuộc sống, không bị căng thẳng trong công việc?
Vậy đối với bệnh viện tại Việt Nam, nhân viên y tế có được động lực bên ngoài hay không? Câu hỏi này hãy để chính người trong cuộc trả lời. Nhưng nhìn chung thì điều này tùy vào duyên may và phụ thuộc rất nhiều vào môi trường làm việc và lãnh đạo bệnh viện.
Thay đổi suy nghĩ, cải thiện hành động
Trở lại với câu hỏi tại sao có những nhân viên y tế làm việc rất hăng say nhưng có người cũng làm công việc đó một cách uể oải cho xong việc? Sự khác biệt đó chính là suy nghĩ của mỗi người.
Có người cảm thấy chán nản vì môi trường, vì sự thay đổi của xã hội, người bệnh bây giờ ít tôn trọng bác sĩ như xưa và họ mỗi ngày đối diện với muôn vàn áp lực và mỗi ngày họ chỉ cố gắng để hoàn thành công việc. Nhưng vẫn có những nhân viên y tế luôn suy nghĩ làm gì đó để tốt hơn mỗi ngày, để cải tiến chất lượng bệnh viện và luôn hăng say đóng góp ý tưởng mới để xây dựng và phát triển, tạo ra môi trường năng động.
Quan trọng ở đây đó là chỉ cần thay đổi một chút về suy nghĩ, từ suy nghĩ tiêu cực sang những suy nghĩ tích cực, từ suy nghĩ từ “tự tôi…nhận ra” và “lãnh đạo bảo tôi hay người ta bảo tôi…” thì chúng ta sẽ có những hành động khác nhau, kết quả khác nhau và nhờ vậy con đường thành công của mỗi người cũng khác nhau.
Đừng quên những nhu cầu cơ bản
Tuy nhiên, để có động lực cho chính mình hay chính nhân viên thì chúng ta cần lưu ý đến Tháp nhu cầu của Maslow vì chúng ta đảm bảo và thõa mãn. Hai nhu cầu là nhu cầu cơ bản (ăn uống, sinh hoạt hằng ngày) và Nhu cầu về an toàn (nơi ở) rồi mới tiến đến 3 bậc phía trên là nhu cầu tương tác xã hội, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu thể hiện chính mình.
Trong một môi trường làm việc nếu muốn tất cả mọi người làm việc hăng say thì trước hết các bệnh viện quan tâm đảm bảo và quan tâm đến nhu cầu cơ bản và sự công bằng. Khi mà bệnh viện có những quan tâm đó thì nhân viên cảm thấy hăng say hơn trong công việc. Hơn thế nữa, các lãnh đạo cũng cần phát huy kỹ năng lãnh đạo để luôn tạo động lực cho nhân viên bằng sự quan tâm, khuyến khích và động viên
Động lực bên trong thì bền vững, có thể xây dựng và không tốn phí bằng cách giúp nhân viên y tế xác định lại những mục tiêu, ghi nhận những giá trị mà họ đã đóng góp lâu năm, khơi gợi lại niềm đam mê, ước mơ mà họ từng đặt ra. Thường thì sự hăng say làm việc luôn mang lại kết quả tốt và vì vậy các yếu tố ngoại sinh cũng sẽ theo đó mà tăng lên.
Động lực nội tại còn là sự tự chủ. Tự chủ bao gồm quyền làm cái gì, làm như thế nào, làm lúc nào và làm với ai. Động lực nội tại còn là con đường ta chọn bằng những đam mê và ta muốn thách thức bản thân mình bằng những đam mê đã chọn.